Văn khấn Thổ Công và các vị thần chi tiết nhất

0
1512

Thổ địa tương truyền là một vị thần theo tín ngưỡng cổ truyền của người châu Á. Tạp chí tử vi xin được giới thiệu bài văn khấn Thổ Công để độc giả tham khảo!

Ý nghĩa bài văn khấn Thổ Công

Thổ Công là vị thần trông coi, cai quản trong nhà, định sự họa phúc cho mỗi gia đình, thường được gọi là Đệ nhất gia chi chủ. Nhờ có vị thần này nên các hồn ma quỷ không xâm nhập được vào nhà để quấy nhiễu gia đình.

Bàn thờ Thổ Công không chỉ thờ một vị, mà thờ ba vị thần với ba danh hiệu khác nhau. Trong bài vị người ta để danh hiệu của cả ba vị thần này, mỗi vị trông coi một việc khác nhau:

  • Thổ Công: trông coi việc bếp núc.
  • Thổ Địa: trông coi việc nhà.
  • Thổ Kỳ: trông coi việc chợ búa của người phụ nữ, hoặc việc sinh sản các vật ở vườn đất.
  • Bài vị của ba thần được lập chung và viết như sau:
  • Bản gia Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân,
  • Bản gia Thổ địa Long Mạch Tôn Thần,
  • Bản gia Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần.

Mỗi gia đình có riêng một Thổ Công. Hàng năm các Thổ Công được thay thế vào ngày 23 tháng Chạp( gọi là ngày ông Công ông Táo). Vào ngày này các gia đình sửa lễ cúng ông Công rồi đốt bài vị cũ thay bài vị mới.

Mũ Thổ Công

Mũ Thổ Công là một cỗ gồm ba chiếc: 1 mũ đàn bà và 2 mũ đàn ông. Mũ đàn ông có hai cánh chuồn vút lên, mũ đàn bà không có hai cánh chuồn. Nếu thờ 3 chiếc mũ là thờ đủ cho ba vị thần, nếu không thờ một mũ là thờ Thổ Công.

Văn khấn Thổ Công và các vị thần chi tiết nhất
Văn khấn Thổ Công và các vị thần chi tiết nhất

Mũ được làm bằng giấy, mũ thường đi kèm với một chiếc áo và một đôi hia. Dưới mũ đặt 100 thỏi vàng giấy.

Mũ, áo, hia mỗi năm một màu hợp với ngũ hành theo phong thủy: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ (trắng – xanh- đen – đỏ – vàng) mỗi năm có một hành riêng, mỗi hành có một màu nhất định.

  • Năm có hành Kim: cúng mũ trắng.
  • Năm có hành Mộc: cúng mũ xanh.
  • Năm có hành Thủy: cúng mũ đen
  • Năm có hành Hỏa: cúng mũ đỏ
  • Năm có hành Thổ: cúng mũ vàng.

Cũng như bài vị Thổ Công, hàng năm mũ cũng được đem hóa vào ngày tết Táo quân và được thay cỗ mũ khác để thờ cho đến tết Táo quân năm sau.

Cúng Thổ Công

Cúng vào ngày giỗ Tết, Sóc Vọng. Có thể cúng chay hoặc mặn.

Trong ngày Sóc Vọng, ngày mồng Một, ngày Rằm, các gia đình thường cúng chay, đồ lễ gồm: giấy vàng, bạc, trầu, nước, hoa quả. Tuy vậy, cũng có gia đình cúng mặn có thêm các đồ: rượu, xôi, gà, chân giò,..

Những khi lễ cúng Gia tiên, bao giờ cũng cúng Thổ Công trước. Khấn cầu sự phù hộ của Thổ Công cũng giống như khấn Gia tiên. Mặc dù gọi là cúng Thổ Công, nhưng khi cúng phải khấn đủ các Thần linh ghi trong bài vị.

Văn khấn Thổ Công

Văn khấn Thổ Công sau đây được dùng cho cả năm, tủy theo cúng vào lúc nào mà thay đổi ngày tháng cho phù hợp.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngày Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, Ngũ phương Ngũ thổ, Phức đức chính Thần.

Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là:…………………………………………………………….

Ngụ tại:……………………………………………………………………….

Hôm nay là ngày:…….tháng……năm…………………………

Tín chủ con thành tâm sắm sửa hương, hoa , lễ vật, kim ngân, trà quả. Đốt nén hương thơm kính mời: ngài Bản gia Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa Long Mạch Tôn thần, ngài Bản gia Ngũ phương Ngũ thổ, Phúc đức chính Thần.

Cúi xin các Ngài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Hy vọng bài viết trên đây sẽ trau dồi kiến thức cho độc giả về các chi tiết xung quanh lễ cúng Thổ Công và bài văn khấn Thổ công theo phong tục cổ truyền để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.